Giá dầu cao nhất 2 năm
Giá dầu tăng, với dầu Brent đạt đỉnh 72 USD/thùng – lần đầu tiên – kể từ năm 2019, do kỷ luật nguồn cung của OPEC+ và nhu cầu hồi phục, làm lu mờ mối lo ngại về những đợt triển khai vắc xin Covid-19 trên toàn cầu.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/6, dầu thô Brent tăng 58 US cent tương đương 0,8% lên 71,89 USD/thùng, sau khi đạt 72,17 USD/thùng – cao nhất kể từ tháng 5/2019 và dầu thô Tây Texas WTI tăng 81 US cent tương đương 1,2% lên 69,62 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 69,76 USD/thùng – cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 3% và dầu thô WTI tăng gần 5% – tuần tăng thứ 2 liên tiếp đối với cả hai loại dầu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cho biết, sẽ tuân thủ các biện pháp hạn chế nguồn cung đã thỏa thuận. Giá dầu tăng được hỗ trợ bởi tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm hơn so với dự kiến. Đồng thời, số liệu của Mỹ cho thấy rằng bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 5/2021 tăng 559.000 việc làm. Cùng với đó là đồng USD suy yếu khiến dầu rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết, giá dầu tăng sau khi các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này cắt giảm số lượng các giàn khoan dầu và khí tự nhiên đang hoạt động – lần đầu tiên – trong 6 tuần.
Giá khí tự nhiên tăng
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng gần 2% sau dự báo thời tiết trong 2 tuần tới nóng hơn so với dự kiến trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn New York tăng 5,6 US cent tương đương 1,8% lên 3,097 USD/mmBTU. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên tăng 4% sau khi tăng gần 3% trong tuần trước đó.
Giá vàng tăng trở lại
Giá vàng tăng từ mức thấp nhất 2 tuần, sau khi bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ không tăng mạnh như dự kiến, song giá vàng vẫn có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2021.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1% lên 1.889,27 USD/ounce, trước đó trong phiên giá vàng chạm mức thấp nhất kể từ ngày 19/5/2021 (1.855,59 USD/ounce). Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 0,7%. Vàng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn New York tăng 1% lên 1.892 USD/ounce.
Bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 5/2021 tăng 559.00 so với dự báo 650.000 trong 1 cuộc thăm dò của Reuters, trong khi các đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa sản xuất tại Mỹ trong tháng 4/2021 giảm hơn so với dự kiến.
Chỉ số đồng USD giảm từ mức cao nhất 3 tuần, khiến vàng trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm.
Giá đồng tăng
Giá đồng tăng, do các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào sau phiên giảm trước đó, bởi lo ngại số liệu kinh tế Mỹ mạnh có thể thúc đẩy chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,9% lên 9.972,5 USD/tấn, sau khi giảm mạnh 3,8% trong phiên trước đó.
Trong tháng 5/2021, giá đồng đạt mức cao kỷ lục 10.747,5 USD/tấn, được thúc đẩy bởi lạc quan về nền kinh tế toàn cầu hồi phục và nhu cầu mới từ cuộc cách mạng xanh dự kiến bao gồm việc chuyển sang xe điện.
Giá đồng tăng mạnh cùng với thị trường chứng khoán, sau số liệu việc làm của Mỹ thấp hơn so với dự kiến, giảm bớt lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ rút lại các biện pháp kích thích.
Tại Trung Quốc, giá đồng chạm mức thấp nhất gần 6 tuần, giá đồng kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 3,6% xuống 70.470 CNY (11.001 USD)/tấn.
Giá thép tăng, quặng sắt giảm
Giá thép cây và thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc tăng và có tuần tăng, do chi phí nguyên vật liệu tăng, song mức tăng bị hạn chế bởi mối lo ngại nhu cầu suy giảm khi mùa mưa sắp tới.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 1,4% lên 5.159 CNY (805,41 USD)/tấn và có tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần với mức tăng 4,6%. Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,2% lên 5.434 CNY/tấn. Tính chung cả tuần, giá thép cuộn cán nóng tăng 2%. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 3,7% xuống 15.535 CNY/tấn.
Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 giảm 1,9% xuống 1.169 CNY/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá quặng sắt tăng 9,9%.
Tồn trữ thép cây tại các nhà máy thép giảm 3,3% xuống 10,42 triệu tấn, trong khi tồn trữ thép cuộn cán nóng tăng 0,9% lên 3,54 triệu tấn, công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Giá cao su tiếp đà tăng
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, hồi phục từ mức thấp nhất 1 tháng trong đầu tuần, do số liệu việc làm hàng tuần của Mỹ tốt hơn so với dự kiến, thúc đẩy kỳ vọng nền kinh tế hồi phục mạnh, đồng thời giá dầu tăng cao cũng làm gia tăng nhu cầu mua tài sản rủi ro.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Osaka tăng 2,1 JPY tương đương 0,9% lên 243,2 JPY (2,2 USD)/kg. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá cao su giảm 4,4%.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 105 CNY lên 13.365 CNY (2.085 USD)/tấn.
Giá cà phê tăng
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE tăng 4,05 US cent tương đương 2,6% lên 1,6165 USD/lb, trong đầu tuần giá cà phê tăng lên mức cao nhất 4,5 năm (1,6675 USD/lb).
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London tăng 23 USD tương đương 1,4% lên 1.612 USD/tấn.
Giá đường tăng
Giá đường thô trên sàn ICE tăng do điều kiện thời tiết khô tại nước xuất khẩu hàng đầu – Brazil – vẫn là trọng tâm chính, trong khi giá cà phê Arabica tăng hơn 2%, trở lại mức cao nhất 4,5 năm trong đầu tuần này.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE tăng 0,28 US cent tương đương 1,6% lên 17,71 US cent/lb.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London tăng 6,9 USD tương đương 1,5% lên 466,5 USD/tấn.
Giá đậu tương, lúa mì và ngô đều tăng
Giá đậu tương, ngô và lúa mì trên sàn Chicago đều tăng do điều kiện thời tiết khô và nóng tại khu vực Trung tây Mỹ, dấy lên mối lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 20-3/4 US cent lên 6,82-3/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá ngô tăng 4%. Giá ngô vụ mới kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 25 US cent lên 5,91-1/2 USD/bushel.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 34-1/2 US cent lên 15,83-3/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá đậu tương tăng 3,48%. Giá đậu tương vụ mới kỳ hạn tháng 11/2021 tăng 32 US cent lên 14,35-1/2 USD/bushel.
Giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 11-1/2 US cent lên 6,87-3/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá lúa mì tăng 3,65%.
Giá dầu cọ giảm trở lại
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm, do tồn trữ trong tháng 5/2021 tăng lên mức cao nhất 8 tháng, song thị trường có tuần tăng thứ 2 liên tiếp do nguồn cung dầu thực vật toàn cầu giảm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn Bursa Malaysia giảm 27 ringgit tương đương 0,65% xuống 4.131 ringgit (1.001,21 USD)/tấn, trong phiên có lúc giảm mạnh 2,3%. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ tăng 3% được củng cố bởi lo ngại nguồn cung dầu thực vật toàn cầu bởi thời tiết nóng tại khu vực Trung Tây Mỹ.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 05/6:
Thép Nam Kim (NKG) bán lỷ lục quý 1/2021, XK tăng mạnh nhờ thị trường châu Âu và Mỹ
Pingback: Giá thép xây dựng tháng 5 tiếp tục tăng, dự báo sẽ sớm hạ nhiệt